- Trang chủ
- Con Thuyền Trống
- Chương 2: Câu Chuyện Của Tôi
Tác giả: Ngưu Nhĩ Nhĩ
Người chết
"Em gặp rắc rối lớn rồi đó Khương Tiểu Hồi!"
Hiệu trưởng vẫn lặp lại câu này với tôi, tựa như muốn dùng cái "rắc rối" mơ hồ nào đó mà cạy miệng tôi ra, cuốn đi bí mật trong lòng tôi rồi chạy mất hút, cứ như là cuộc đua tiếp sức vậy.
Tôi thì vẫn khăng khăng không hé ra lời nào, lông mày của chị ấy xô vào nhau, hệt như hai thanh kiếm đang lao vào đối phương, nhưng trong nháy mắt vừa đọ sức đã buông lỏng ra, hiệu trưởng giơ tay kéo bức màn lên: "Vậy em ra ngoài đi."
Tôi ôm bí mật của mình ra cửa.
Việc bị người khác biết tôi có thứ cần giấu giếm giống như là tôi bị khám phá ra đang mang thai vậy, có mang bảy năm rồi, tôi không biết bí mật của tôi sẽ sinh ra tai họa khủng khiếp gì nữa.
Cái bụng bỗng trở nên thật nặng, tôi đỡ eo, chờ nó tự mình sinh non.
Vừa ra văn phòng, tôi đã thấy một đồng nghiệp khác là Lý Dũng Toàn đi tới.
Lý Dũng Toàn là giáo viên nam duy nhất của trường Ánh Sáng, bình thường không hay xuất hiện, nên không quen thân với tôi lắm.
Vừa gặp mặt, tôi để ý thấy trên áo khoác Lý Dũng Toàn có mấy dấu chân nhỏ, cậu ấy nhìn theo ánh mắt tôi, giải thích: "Lúc nãy có thằng nhóc quậy kinh hồn, tôi chỉ bế nó lên thôi mà bị đạp vài cái rồi.".
Ngôn Tình Xuyên Không
Tôi gật đầu, ôm bí mật của mình tiếp tục bước đi.
Trước nay tôi không có tiếp xúc gì với Lý Dũng Toàn, khi cậu ấy mới đến trường vào mùa xuân đầu năm, tôi đang thay quần cho đứa nhỏ vừa đái dầm.
Cậu ấy mới hai mươi tuổi, đầu tóc xù xù giống như một chú chó lông vàng tính tình dịu ngoan nào đó.
Cậu chó lông vàng vào phòng hiệu trưởng một lúc, sau đó chạy tới cạnh tôi, mở lời: "Chị hiệu trưởng mới kêu tôi đưa cô về nhà kể từ hôm nay."
Hiệu trưởng của trường chúng tôi là người có tác phong nhanh nhẹn quả quyết, năng lực giỏi, logic rõ ràng, làm việc này nhất định là có lý do riêng.
Chắc chắn chị ấy đã suy nghĩ rất kỹ càng, mới đưa ra mệnh lệnh để Lý Dũng Toàn hộ tống tôi về thế này.
Nhưng tôi vẫn hỏi Lý Dũng Toàn một câu: "Tan tầm xong cậu định làm gì?"
"Tôi tính đi đánh bida."
Thế là tôi bảo Lý Dũng Toàn rằng cậu ấy cứ thoải mái đi đánh bida, hôm nay tôi đi ké xe đạp điện của Chu Nhị Đình về nhà, sẽ không gặp chuyện gì cả.
Chỗ Chu Nhị Đình ở nằm tại mặt sau khu dân cư Giai Hưng của tôi, hai chúng tôi về cùng một hướng.
Lúc tôi giải thích việc này, Lý Dũng Toàn cúi người nhìn tôi, nguồn nhiệt hừng hực truyền đến đỉnh đầu, cho đến khi tôi nói rõ ràng, Lý Dũng Toàn vẫn gãi đầu: "Thật sự không làm khác được, chị ấy nói tôi đưa cô về nhà, vậy để tôi đưa đi, tôi cũng tiện đường mà."
Tôi hỏi Lý Dũng Toàn ở đâu, biết được cậu ấy ở mặt sau nhà của Chu Nhị Đình.
Tan làm, Lý Dũng Toàn cưỡi xe máy đầy vẻ oai phong trờ đến, cả người một cây đen, động cơ còn nổ máy ầm ầm.
Xe máy vẫn còn hơi nóng, cậu ấy dời vào một góc, hút thuốc lá chờ xe nguội bớt.
Tôi lấy chân dẫm dẫm lên cái bóng của chính mình, nhớ đến lời hiệu trưởng nói tôi có cái rắc rối nào đó, vừa định mở miệng ra, lại thấy chị ấy dắt xe đạp ra ngoài, bắt gặp tôi và Lý Dũng Toàn đang đứng mỗi người một bên.
Lập tức chị ấy bĩu môi với Lý Dũng Toàn, phẩy cánh tay như muốn đẩy chúng tôi lại gần nhau: "Đi đi, đưa em ấy về đi, cậu phải tận mắt thấy em ấy mở cửa nhà mới được đó!"
Miệng Lý Dũng Toàn ngậm điếu thuốc, cánh tay nâng cao lên, như thể đang chào kiểu quân đội với Hitler vậy.
Hiệu trưởng vừa khuất bóng, quan hệ đồng nghiệp của tôi và Lý Dũng Toàn trở thành lạnh nhạt như cũ.
Tôi vẫn đang suy nghĩ làm sao để nói chào tạm biệt trước, thì Lý Dũng Toàn bỗng dưng rồ ga: "Đi thôi!"
Tôi đành phải trèo lên, xe máy rít một tiếng, lao phắt đi.
Tóc tai bù xù của Lý Dũng Toàn bị gió thốc ra phía sau, tôi bặm môi nhắm chặt mắt, bám vào eo cậu ấy, úp mặt trốn sau lưng Lý Dũng Toàn.
Tóc của chú chó vàng phía trước quất ràn rạt vào tôi như trận mưa trút nước, làm tôi tối tăm cả mặt mũi.
Trên đường tôi hỏi Lý Dũng Toàn có biết rắc rối tôi sắp gặp là gì không, đến nỗi cần một giáo viên nam tiễn tôi về nhà như vậy.
Cậu ấy "hử" một tiếng, âm thanh đứt quãng trong gió: "Cô nói cái gì?"
Tôi gân cổ gào lên: "Tôi nói — sao hiệu trưởng kêu cậu đưa tôi về chi vậy?"
"Chị ấy chưa nói gì cả! Tôi không biết!"
Đến khu dân cư Giai Hưng, Lý Dũng Toàn để tôi xuống xe, tôi chỉ vào cửa chính của tòa nhà đầu tiên, xem như cậu ấy đã nhìn thấy tôi vào nhà đi.
Lý Dũng Toàn dò xét một lát, mới gật đầu: "Tôi đi đây, có chuyện gì cô cứ gọi WeChat cho tôi."
Lúc Lý Dũng Toàn đến trường Ánh Sáng, chúng tôi đã kết bạn với nhau, lịch sử trò chuyện chỉ có mỗi hai dòng: cậu ấy gửi một cái biểu tượng cảm xúc, tôi cũng gửi đáp lại một cái.
Đến lượt tôi trả lời, tôi cứng nhắc đáp lại: "Được rồi, cám ơn cậu, mai gặp lại nha."
Chờ Lý Dũng Toàn đi mất, tôi chu miệng thổi thổi mấy sợi tóc vô hình mơ hồ bị mắc trong miệng ra ngoài.
Khu dân cư này khá thưa thớt, tôi rảo bước ngang qua ba cái thùng rác ven đường, có mấy đứa nhỏ đang chơi trượt patin ở trước cửa tòa nhà thứ hai, từng cái bóng nhỏ vụt qua vụt lại.
Mặt trời đã ngã về tây, nhuộm vàng cái túi vải buồm trong tay, tôi thò tay vào đó, lục lọi chìa khóa.
Tôi sống ở số 502, tòa nhà thứ hai, khu dân cư Giai Hưng, đây là căn hộ mua hoàn toàn bằng tài sản của tôi.
Giá nhà đất ở huyện Năng này cực kỳ giống như giá của huyện Bồng bên cạnh, mà ở vị trí này của huyện Bồng cũng có một khu dân cư như Giai Hưng vậy, đó là chỗ tôi ở trước kia.
Nhưng điều khác biệt là lúc trước tôi ở tòa nhà thứ ba, từ cửa sổ nhìn ra chỉ có thể thấy quần đùi của người khác phơi trên ban công, mà hiện tại trên tầng cửa sổ này, tôi có thể thấy đám trẻ lúc nãy lướt thoăn thoắt trên giày trượt.
Nhìn lũ trẻ nô đùa từ trên cao mà tôi cứ ngỡ như mình đang chơi cờ, xem kìa, bạn có thể giơ tay kéo một đứa nhỏ từ ô vuông này sang một ô khác, làm nó đứng yên ở một vị trí.
Rồi đến khi có dấu hiệu nguy hiểm xảy ra, bạn lại có thể dời nó sang một chỗ khác trên bản đồ một cách dễ dàng mà chẳng phí công.
Tôi đang mải mê miết ngón tay lung tung trên mặt kính, bỗng điện thoại réo vang, thì ra là hiệu trưởng trường tôi gọi đến.
Hình như bên đầu dây đang cãi nhau ầm ĩ, tôi có thể mường tượng cảnh hiệu trưởng vừa cầm điện thoại, vừa chỉ tay mắng mỏ người đối diện, khi chị ấy đảo mắt, đôi mi nhướng lên thành từng gợn sóng.
Cuộc gọi vừa kết nối, đã nghe tiếng chị ấy thét to: "Đây không phải là chuyện của mấy người sao? Hả? Nếu không biết gì hết, vậy còn cần mấy người làm gì nữa chứ, đồ vô dụng!"
Sau đó giọng nói của một người đàn ông vang lên: "Cô ồn ào làm gì, có giỏi thì cô tự làm luôn đi! Cô có quyền gì mà bắt người khác lại hả, người ta mới hỏi một tiếng thôi mà cô túm người ta à? Cô ghê gớm quá nhỉ, cô là cảnh sát hay tôi là cảnh sát vậy?"
Ngay tức khắc tôi áp sát lỗ tai vào loa điện thoại, chắc là chị ấy đang cãi nhau ở đồn cảnh sát, nhưng mà lúc này đã là giờ tan tầm rồi, có gây chuyện thì cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa.
Tôi vội vàng gọi với theo: "Chị ơi!"
Chị ấy còn mắng người ở bên kia thêm mấy câu nữa, mới chịu trả lời tôi: "Tiểu Hồi hả, chị đang báo án, họ không thể nói là chị bịa chuyện được...!mà em về nhà chưa vậy?"
"Dạ, em về rồi."
"Mấy ngày này em đừng có đi lung tung, có ả điên nào đang đi hỏi thăm khắp nơi về vụ án trường Cây Mận đó, mà mẹ nó chứ, cảnh sát ở đây cóc biết con khỉ khô gì cả! Chị nói em gặp rắc rối lớn rồi đó, lúc đi làm thì lo mà kêu Tiểu Chu đi cùng, còn về nhà thì đi chung với Tiểu Lý, đừng có đi một mình nghe chưa!"
"Có chuyện gì vậy chị?"
Có ả điên xuất hiện sao? Rồi còn hỏi thăm vụ án Cây Mận khắp nơi nữa à?
"Không có gì, chỉ là ả rất phiền phức, cứ điên điên khùng khùng, hôm nay chị phải kêu bảo vệ đuổi mãi mới đi, phiền cực kỳ là phiền!", chị ấy gằn giọng rồi cúp máy.
Bí mật của tôi là một thế giới cực kỳ rộng lớn, ở hiện trường có đủ loại người, đủ loại cảnh tượng, nhưng không có dấu vết của ả điên nào cả.
Tôi hóa thân thành thám tử, tỉ mỉ so sánh đối chiếu từng gương mặt trong trí nhớ, nhưng vẫn không tìm được người nào khớp với mô tả hết.
Mà tôi lại không thể chia sẻ với ai về bí mật kia.
Cho dù lúc tan làm hiệu trưởng có phóng xe đạp như bay tới đồn cảnh sát báo án, rồi còn kêu bảo vệ đuổi ả điên đi nữa, thì tôi vẫn không thể để lộ thông tin cho chị ấy.
Nhưng vụ án đó cũng không phải chuyện long trời lở đất gì, nếu thật sự có lý do chính đáng thì tôi sẽ nói ra.
Bảy năm về trước, có một bé gái bị đâm chết ngay tại sân trường Cây Mận.
Hung thủ đã sa lưới, lễ tang cũng đã tổ chức, lúc tôi quỳ gối tại nhà bà nội của cô bé, bà lão ấy hung hăng chỉa ngón tay vào mặt tôi, ép hỏi tôi tại sao thấy cảnh chết mà không cứu.
"Mày mà là cô giáo cái thá gì chứ! Mày ở ngay bên cạnh nó, vậy mà cứ trơ mắt nhìn Ninh Ninh nhà chúng tao chết, tại sao mày không phải là người chết đi cho rồi!"
Bà lão đang cực kỳ kích động bị các đồng nghiệp của tôi ngăn lại, tôi vẫn cứ lặng lẽ quỳ, đối mặt với ảnh chụp đen trắng của cô bé trịnh Ninh Ninh bảy tuổi.
Những mảnh xương đứt lìa của Trịnh Ninh Ninh được đặt trong chiếc quan tài chỉ lớn hơn thùng đựng táo một chút.
Tôi nghe văng vẳng như có tiếng búp măng bị người ta cắt đứt giòn giã rôm rốp, cô bé nằm trong quan tài đau đến run lên, vết dao sâu hoắm lạnh lẽo hằn rõ trên xương.
Khói trắng lượn lờ quanh lư hương, và trong làn sương như mộng như ảo ấy, hồn của Trịnh Ninh Ninh đã lướt về phía trường tiểu học Hồng Chí — nơi mà cô bé đã ghi danh nhưng chưa kịp nhập học..